Nền triết học cổ phương Đông đã phát triển một cách rực rỡ từ hơn 2500 năm trước Công nguyên ở Trung Quốc và liên tục được phát triển, hoàn thiện, sáng tạo suốt 5000 năm lịch sử “Hoa Hạ” với các đại diện là những nhà tư tưởng triết học Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo như Khổng Tử, Lão Tử, Khương Tử Nha, Ngô Khởi, Tôn Tử..., đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức vô giá. Các thuyết “Âm dương”, “Ngũ hành”, các bộ sách kinh điển Tứ Thư, Ngũ Kinh, Binh pháp Tôn Tử, sách Quỷ Cốc Tử, sách Thiên Vũ kinh… thực sự là những cẩm nang trí thức siêu việt trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh doanh thương mại… mà cho đến ngày nay các học giả trên thế giới đang dày công nghiên cứu và ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, không chỉ ở Trung Quốc, phương Đông mà các tướng lĩnh, chuyên gia quân sự, các chính khách, các nhà kinh doanh phương Tây cũng nghiên cứu, vận dụng các lý luận triết học phương Đông, đặc biệt là 13 thiên của Binh pháp Tôn Tử và 36 kế sách của sách Thiên Vũ kinh vào thực tế trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao,… và thu được những thành công ngoài mong đợi. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ông cha ta đã nghiên cứu các sách lược của người xưa, đúc rút thành các sách lược phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử làm tài liệu huấn luyện quân đội, dân binh và lãnh đạo chiến tranh giành thắng lợi. Trần Hưng Đạo đã viết bộ Binh thư yếu lược gồm 4 cuốn và dựa vào đó lãnh đạo quân đội và nhân dân Triều Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên; Nguyễn Trãi viết Bình Ngô sách hiến kế cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, đưa lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; Hoàng đế Quang Trung đã vận dụng tài tình kế dụng binh tốc chiến tốc thắng đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh, giành lại độc lập cho đất nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự thiên tài, Người đã dịch và biên soạn lại cuốn Binh pháp Tôn Tử cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, Người cũng đã viết sách “Chiến thuật du kích” làm tài liệu huấn luyện quân sự cho quân và dân ta tiến hành kháng chiến thành công. Những tư tưởng triết học, binh pháp, kế sách, quyền mưu đó lại càng có giá trị trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa quan hệ với các nước trên thế giới, với sự du nhập của văn hóa phương Tây cùng với tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Việc nghiên cứu các quy luật âm dương, ngũ hành, các thuật phong thủy, thuật đắc nhân tâm, thuật nhân tướng học, các kế sách và binh pháp…, tức những gì tinh túy nhất của tư tưởng văn hóa triết học Đông phương để áp dụng vào các lĩnh vực phong phú của cuộc sống xã hội hiện nay, đang được khá nhiều người quan tâm và nghiên cứu. Nhằm giúp bạn đọc tiếp cận được tinh hoa trí thức nhân loại của nền triết học phương Đông, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu cuốn sách “Thuật toán và quyền mưu”, do tác giả Đỗ Hoàng Linh biên soạn. Cuốn sách gồm 3 phần. Phần 1: Tổng quan về triết học phương Đông và Thuật toán; Phần 2: Một số Binh pháp nổi tiếng; Phần 3: Kế sách và Quyền mưu và Phần Phụ lục. Ở Phần 1, tác giả đã khái quát về các trường phái tư tưởng triết học phương Đông cổ với những nội dung cơ bản về thuyết Âm dương, Ngũ hành, Kinh dịch, Bát quái, Tiết khí và Can chi, với các bộ sách đồ sộ như Tứ Thư, Ngũ Kinh…; giới thiệu các thuật toán nổi tiếng như: Thuật Chiêm tinh, Thuật Phong thủy, Thuật Nhân tâm, Thuật Trung y… Bạn đọc có thể tìm thấy ở phần này những điều cần quan tâm về nguồn gốc xuất xứ, nội dung, ý nghĩa, những biến thể cũng như khả năng vận dụng các thuyết, thuật toán vào thực tế đời sống xã hội rất đa dạng hiện nay. Phần 2 được tác giả giới thiệu nội dung một số binh pháp nổi tiếng thời Trung Hoa cổ mà cho đến ngày nay vẫn còn được nghiên cứu, ứng dụng một cách rộng rãi không chỉ ở Trung Quốc, các nước phương Đông mà cả ở các nước phát triển phương Tây. Đặc biệt Binh pháp Tôn Tử được trình bày một cách chi tiết, thể hiện trí tuệ và nghệ thuật quân sự siêu việt của Tôn Vũ. Thiên tài quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được tác giả giới thiệu trong bộ sách 4 cuốn “Binh thư yếu lược”. Tác giả cũng dành phần trang trọng giới thiệu thiên tài quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã biên soạn cuốn sách “Chiến thuật du kích” làm tài liệu huấn luyện và phát động chiến tranh du kích góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để viết về “Kế sách và Quyền mưu”, tác giả dành nhiều công sức để giới thiệu các kế sách trong sách Quỷ Cốc Tử và đặc biệt phân tích 36 kế sách trong Thiên Vũ kinh. Đây chính là sách lược tác chiến, sáu sáu ba mươi sáu, trong số có thuật, trong thuật có số; âm dương hài hòa, chứa huyền cơ ở bên trong. Trong toàn bộ 36 kế sách, cứ 6 kế tạo thành 1 phần, lần lượt là thắng chiến kế, địch chiến kế, công chiến kế, hỗn chiến kế, tính chiến kế và bại chiến kế. Mỗi phần đều có mở đầu và kết thúc, tuần tự nối tiếp nhau, mọi mưu lược tác chiến đều nằm cả trong đó. Mỗi một kế sách đều được giới thiệu rõ ý nghĩa, điển tích và minh họa qua các mẩu chuyện lịch sử hấp dẫn kể lại sự tài tình của các tướng lĩnh, các chuyên gia quân sự, chính trị, ngoại giao nổi tiếng như Hoàng đế Napoleon, Thống chế Kutuzov… đã vận dụng các kế sách đó và đem lại những thành công to lớn. Phần Phụ lục được tác giả cho đăng tải 13 thiên Binh pháp Tôn Tử do Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch, biên soạn lại và một số bài của Người bình luận về Binh pháp Tôn Tử. Đã có nhiều cuốn sách viết về từng vấn đề riêng lẻ theo chủ đề nói trên, nhưng chưa có cuốn sách nào tổng hợp được toàn diện và phong phú về những tinh hoa triết học và mưu lược của người xưa, có minh họa súc tích, dẫn chứng cụ thể, dễ hiểu như cuốn “Thuật toán và quyền mưu”. Đây là cuốn sách gối đầu giường cho những ai luôn khao khát đạt được những thành công, nắm chắc phần thắng trong nước cờ đấu trí trên mọi lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế... Đây là đề tài rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của triết học cổ phương Đông, nên mặc dù đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm, biên soạn, song cuốn sách sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót. Nhà xuất bản và tác giả rất mong nhận được sự cảm thông và đóng góp của bạn đọc gần xa để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.
Đánh giá & bình luận